Khởi điểm “tình bạn thân” mang đến cho hai nhân vật chính nhiều điểm thuận lợi, nhưng cũng đôi khi gây ra lắm vấn đề.
“Biết nhiều về nhau” chưa chắc là “hiểu nhau”
Vì đôi khi, những gì mà bạn biết trên cương vị là một người bạn lại khác với những gì mà người ta thực sự muốn chia sẻ với bạn khi đang ở “vị trí” người yêu.
Đừng bao giờ chủ quan rằng mình đã hiểu về ai kia quá rõ và bây giờ thì không cần phải tìm hiểu nữa chi cho mệt. Đối với một “thằng bạn” người ta có thể không chấp nhất, nhưng một khi đã trở thành ai kia thì đừng trách vì sao người yêu lại đổi tính hay giận hờn.
“Mày, tao” -> “anh, em”
Thời còn là “chiến hữu” thì việc xưng hô “mày tao” vốn đã quen miệng. Bây giờ “di chuyển” sang tình cảm thực sự, xưng hô bắt buộc thay đổi khiến hai nhân vật chính sẽ “ăn khoai sượng” một thời gian. Có khá nhiều đôi mất cả mấy tháng trời cho việc “tập” xưng hô.
Những thói quen phải “delete”
Xỉa răng bằng tay, gác chân lên ghế, cười hể hả ngoác to mồm… tất cả những thói quen từ thời “bạn thân” này nên được nhấn “delete” dần.
Dù cho ai kia có quả quyết rằng người ấy thương bạn vì chính con người bạn trước kia thì những hành động kiểu này cũng rất dễ “giết chết” cảm xúc yêu thương, nhất là ở thời kỳ nhen nhóm.
Bạn thân và người yêu là hai người khác nhau?
Khi còn là bạn hắn rõ là dễ chịu, khi thành người yêu bỗng dưng khó tính hẳn. Khi còn là bạn, nàng rất độc lập, khi là người yêu nàng hở tí giận. Khi còn là bạn đi đâu hắn cũng rủ rê, khi là người yêu, hắn lại muốn có những khoảng thời gian riêng.
Khi còn là bạn cái gì nàng cũng tự làm, thậm chí còn giúp cả mình, khi thành người yêu cái gì nàng cũng muốn nhờ vả…. Cả hai có thể cảm thấy sốc khi đối diện với những thay đổi mới mẻ ấy.
Đôi lúc bạn còn vò đầu băn khoăn khi so sánh “hai con người cũ - mới” với nhau. Thế nhưng có những thứ người ta chỉ bộc lộ với người yêu của mình, nên so sánh này hết sức lệch hệ quy chiếu.
Cãi vã không còn là chuyện nhỏ
“Trận chiến” giữa hai người bạn thân có thể được xí xóa bằng một ly chè, bằng một nụ cười xòa hay một cái vỗ vai thân thiết. Thế nhưng trong chuyện tình cảm thì khác.
Một lời nói vô tình lúc nóng giận, một hành động khi không kiềm chế có thể khiến cả hai đường ai nấy đi. Vì tình cảm bấy giờ đã có những yêu cầu cao hơn.
Hai người đều cần người kia thực sự hiểu mình, và là “phần bù đắp” cho mình chứ không phải là hai tảng băng y chang cứ đụng nhau chan chát. Vì thế, khi xảy ra cãi vả, nên nhớ cương vị của mình đã thay đổi và hành động cũng cần phải đi theo để thích ứng.